REVIEW/Đánh giá - Thermalright TR-TG1200 1200W ATX3.0/PCIe5.0

 


Thermalright thương hiệu được biết đến với các sản phẩm tản nhiệt hiệu năng cao cho bộ vi xử lý (CPU). Vừa ra mắt dòng sản phẩm nguồn máy tính (PSUs) đầu tiên của mình mang tên TG series. Được định vị ở phân khúc cao cấp với tiêu chuẩn ATX3.0,  trang bị đầu cấp nguồn 12VHPWR/PCIe5.0 (ngoại trừ phiên bản 650W), hiệu suất chuẩn 80Plus Gold và hệ thống cáp bẹ đen 100% dạng rời(full modular)
TG series có 4 mức công suất chính: 650W/750W/850W/1200W với 2 phiên bản màu trắng và màu đen

I- Hộp và phụ kiện:
Hộp của TR-TG1200 có kích thước nhỏ nhắn tông màu đen với các đường sọc trắng cách điệu. Thông số kĩ thuật được in phía sau của hộp




Phụ kiện kèm theo gồm có: 1x cáp nguồn CN type, 4x ốc bắt nguồn, 4x dây rút

II-PSU
1-Bên ngoài:

TR-TG1200 có kích thước ATX tiêu chuẩn được sơn tĩnh điện màu đen với phần vỏ dập cách điệu logo Thermalright, sử dụng quạt làm mát 120mm





Công suất danh định: 1200W, Single rail 12v@100A, Active PFC fullrange 100-240Vac. Về chuẩn 80Plus Gold hiện chưa có thông tin về dòng sản phẩm TR-TG1200 của Thermalright trên trang web 80plus. Tuy nhiên khi tìm kiếm tên model S-850MZ 1200A-J của đối tác sản xuất(OEM) SANR được in trên nhãn thì platform này đã được chứng nhận 80Plus Platinum.  Chúng ta sẽ kiểm chứng vấn đề này qua các bước thử tải để xem  có phải là  "món hời" khi mua Gold mà được Platinum hay không 


TR-TG1200 sử dụng hệ thống cáp bẹ đen 100% dạng rời gồm có:
1x 24pin Mainboard: 60cm
2x 4+4pin ATX12V: 65cm
6x 6+2pin PCIe: 65cm + 15cm
1x 12VHPWR/PCIe5.0 : 60cm
10x SATA: 50cm+ 15cm +15cm + 15cm
5x ATA: 50cm+ 15cm + 15cm

2-Bên trong:
Thermalright chọn SANR làm đơn vị sản xuất(OEM) dòng sản phẩm TR-TG1200. Với thiết kế "quốc dân" cho dòng sản phẩm Gold trở lên là  Active PFC + Cộng hưởng LLC nữa cầu + Chỉnh lưu dồng bộ (SR) + DC to DC cho đường 5V và 3.3V
Platform này cũng gần tương đồng với platform sử dụng  trên các dòng sản phẩm của Thermaltake PF1 hay Enermax Revolution II, tuy các sản phẩm này không phải do SANR sản xuất. 





Bảng linh kiện được sử dụng trên TR-TG1200:


Tầng lọc nhiễu EMI đầy đủ với 2 lớp lọc đi kèm với các thành phần không thể thiếu ở các dòng sản phẩm cao cấp như MOV hay IC discharge tụ X, Thành phần giảm dòng khởi động gồm 1 NTC 5ohm mắc song song với 1 rờ le được đặt xen kẻ giữa 2 lớp lọc


Cặp Diode cầu GBU2008 (20A x2) công suất lớn được đính trên phiến tản nhiệt riêng. Đem lại khả năng tản nhiệt tốt hơn và đảm bảo khả năng hoạt động ổn định liên lục. Cặp tụ chính Nhật Bản Toshin Kogyo có thông số 450V/470uF với nhiệt độ hoạt động tối đa đạt 105oC


Tầng PFC sử dụng cặp Mosfet 65R078W đóng gói dạng TO247 đem lại khả năng tản nhiệt tốt hơn đáng tiếc là thông số kĩ thuật không được tìm thấy trên mạng. Kèm theo một Diode xung CRmicro CRXI10D065G1 (10A). IC dao động điều khiển hoạt động tầng PFC là loại Champion CM6500UNX. Ngay phía trên IC dao động tầng PFC là IC combo DP2358 của mạch cấp trước 5Vsb



Tầng PWM/LLC thiết kế dạng nữa cầu (Half-bridge) sử dụng 1 cặp Mosfet của hãng Xinyuan semi CWS60R099BF (40A). IC tạo dao động cho tầng PWM/LLC cũng như điều khiển các mosfet chỉnh lưu đường 12V là loại Champion CM6901T6X kèm theo 1 IC khuếch đại thuật toán kép (Opamp)  UTC358


Khối cộng hưởng LC của tầng LLC được đặt ngay sát cặp tụ chính. Ngay tại ngõ ra của biến áp chính là vị trí của 6 Mosfet Nexperia PSMN1R0-40YLD (280A x6) chỉnh lưu cho đường 12V. Các mosfet này được làm mát trực tiếp bởi luồng gió của quạt làm mát, cũng như dán tiếp qua lớp vỏ của nguồn



Đường 5V và 3.3V được tạo ra từ 2 khối mạch DC to DC(VRMs) riêng biệt sử dụng 1 IC dao động Anpec APW7164 lái 2 Mosfet DC3056CX

IC giám sát hoạt động GR8313 cung cấp 3 chế độ bảo vệ cơ bản OVP/UVP/SCP. Kế bên là IC Anpec APW9010  kiểm soát chế độ hoạt động semi-fanless của quạt làm mát. 

TR-TG1200 sử dụng 100% tụ điện nhật bản tới từ thương hiệu Toshin Kogyo, Do gần như toàn bộ linh kiện được hàn ở mặt trên của bo mạch kể cả linh kiện SMD. Nên phần mạch in phía dưới khá thoáng và sạch sẽ


III-Thử nghiệm:
1-Load testing (Thử tải):
TR-TG1200 hoàn thành tốt các mức thử tải với điện áp dao động nhỏ nằm trong chuẩn ATX yêu cầu. Hiệu suất đạt tới 94%@230Vac hoàn toàn có thể đạt chuẩn 80Plus Platinum theo chứng nhận 80Plus từ nhà sản xuất SANR





2-Inrush current testing ( Dòng khởi động):
Dòng khởi động của TR-TG1200 đạt 116A hơi cao khi so sánh với các dòng sản phẩm cùng phân khúc 


3-Sync Transient response test ( Tải biến thiên): 
*Capacitance load: 3300uF per rails (12V1, 12V2, 5V, 3.3V, 5Vsb) 
  Slew rate: 12V: 5A/uS(12VHPWR) hoặc 2.5A/uS. 5V & 3.3V: 1A/uS . 5Vsb: 0.1A  ( theo intel ATX3.0 )

TR-TG1200 có mức điện áp dao động trên các đường điện đều nằm trong chuẩn ATX3.0 yêu cầu. 
Qua bước thử tải mô phỏng dòng tiêu thụ tức thời của card đồ họa (Power excursion) Đáng tiếc là TR-TG1200 chỉ có thể vượt qua bài thử nghiệm 120% công suất. Khi tải 160% tương đương với khoảng 1900W PSU ngay lập tức "sập nguồn" và khởi động lại. Sau khi giảm tải xuống còn khoảng 1800W(<160%) PSU vượt qua bài thử nghiệm với điện áp không được tốt cho lắm. Nếu đây là 1 PSU không trang bị đầu nguồn 12VHPWR/PCIe5.0 thì chắc chắn sẽ vượt qua các bài thử nghiệm khi lúc này tải tức thời chỉ còn tối đa là 150% công suất thay vì 200%


-50Hz Low load:


-50Hz High load:


-10kHz Low load:


-10kHz High load:




120% Load:

160% Load (-120W):

-Ripple & Noise ( Nhiễu AC cao tần):
Nhiễu cao tần của TR-TG1200 đạt mức tốt khi tối đa trên dưới 30mV cho cả 3 đường điện chính. 







5-Hold-up time ( thời gian lưu điện)
TR-TG1200 có thời gian lưu điện vượt xa chuẩn ATX yêu cầu, với tính hiệu PG_OK đạt 20,4/16mS và Đường 12V rời khỏi mức điện áp an toàn sau tận 24,6mS/17mS


6-Protection features (Các chế độ bảo vệ):
Các chế độ bảo vệ trên TR-TG1200 hoạt động tốt và nhạy. Trừ đường điện 3.3V khi chế độ OCP cắt dòng "hơi trể" khiến điện áp rớt xuống dưới giới hạn 3.14V

7-Earth leak current ( Kiểm tra dòng rò): 
Đối với các thiết bị IT (Class I ) mà nguồn máy tính ATX là một trong số đó thì theo tiêu chuẩn an toàn yêu cầu dòng rò không được vượt quá 3,5mA tại áp cấp vào bằng ~110% điện áp tối đa mà nhà sản xuất công bố PSU có thể hoạt động đc ( ở đây sẽ là 110% của 240VAC tương đương khoảng 264VAC@60Hz). Để kiểm tra vấn đề này chúng ta sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng  GW instek GLC-9000  để đo dòng rò

8- Nhiệt độ làm việc và tốc độ quạt làm mát ( Temp & Fan RPM):
Điều kiện môi trường : 38-45°C
TR-TG1200 chế độ semi fanless là mặc định( không bật tắt được). Quạt sẽ không quay khi PSU chưa đủ nóng hay tải còn dưới 60% load. Khi psu đủ nóng hay tải 60% load trở lên quạt mới bắt đầu quay từ 800RPM cho tới khi đạt tốc độ tối đa khoảng 1800RPM. Điều này giúp PSU hoạt động êm ái ở các mức tải thấp, bù lại qua ảnh nhiệt chúng ta có thể thấy khu vực nóng nhất trên PSU là khu vực biến áp chính với nhiệt độ trên dưới 80oC. 


TR-TG1200 sử dụng quạt làm mát Yate loon D12SH-12 12V 0.3A có tốc độ tối đa khoảng 1800RPM

IV-Kết luận: 
Thermalright TR-TG1200 1200W có chất lượng linh kiện và điện áp khá tốt. Hiệu suất cao ~94%@230Vac, Đáng tiếc là TR-TG1200 chưa thể vượt qua tất cả các bài thử nghiệm mô phỏng dòng tức thời(peak) của card đồ hoạ dành cho những bộ nguồn có trang bị đầu cấp nguồn 12VHPWR/PCe5.0. PSU hoạt động hơi ồn khi tải nặng do phải nhanh chóng làm mát khối linh kiện công suất phía dưới. Hy vọng phía Thermalright sẽ tiếp tục hoàn thiện mảng sản phẩm nguồn máy tính mới ra mắt của mình trở nên hấp dẫn hơn trong phân khúc cao cấp
TR-TG1200 là sự lựa chọn cho các cấu hình máy tính tầm trung và cao cấp sử dụng card đồ họa RTX4000 trừ những model hiệu năng cao (OC)
Ưu điểm:
-Chất lượng điện áp khá tốt
-Chất lượng linh kiện tốt ( 100% tụ nhật)
-Hiệu suất cao 94%@230Vac 
-Semi-fanless 
Khuyết điểm:
-Chờ chứng nhận 80Plus 
-Cần cải thiện tải biến thiên theo tiêu chuẩn ATX3.0/PCIe5.0

-Xin cảm ơn Thermalright đã cung cấp sản phẩm Review!

Comments

  1. Hi ad, thấy bạn tính hiệu suất nhưng sao mình thấy quy đổi ra không được hiệu suất như bạn tính nhỉ? có phải là điện 220VAC * dòng AC * pF mới đúng công suất đầu vào hả ad? vậy pF mình tìm ở đâu ra vậy? cảm ơn ad

    ReplyDelete
    Replies
    1. công suất đầu vào (P_in) đúng như công thức bạn nhân (P_in=V_in * I_in * PF) và hiệu suất thì bằng P_out/P_in ( bẳng tính mình đúng theo những thông số trong các ô tính mà nhỉ ?). Hệ số PF ko phải là 1 hằng số cố định mà nó thay đổi theo tải . nó được tính toán giữa công suất toàn phần (S) với công suất có ích (P_in) , các đồng hồ đo công suất hiện nay đều có thể hiện thông số này

      Delete

Post a Comment